Khám phá nơi đã sinh ra những chiếc Aston Martin “hàng thửa” dành cho giới siêu giàu

Những tùy chọn dành cho xe dường như không giới hạn, miễn là ví của bạn dày. Từ màu sơn và chất liệu bọc nội thất “thửa riêng” đến vật liệu độc nhất, tất cả đều có thể xuất hiện trên chiếc của bạn nhờ bộ phận Q.

Với bộ phận Q, hãng Aston Martin đang cố gắng làm hài lòng giới siêu giàu bằng những chiếc xe “thửa riêng” trị giá lên đến hàng chục tỷ Đồng.
Trong làng ô tô ngày nay, các nhà sản xuất đang có xu hướng thành lập những bộ phận chuyên phát triển xe phiên bản đặc biệt hoặc theo đơn đặt hàng của khách. Ví dụ như Rolls-Royce với bộ phận Bespoke, Ferrari với Tailor-Made, Lamborghini với Ad Personam hay Bentley với Mulliner. Không nằm ngoài xu hướng đó, Aston Martin cũng có bộ phận tương tự mang tên Q.

Có thể nói, Q là bộ phận chuyên nhận trách nhiệm phục vụ giới nhà giàu của Aston Martin. Q cũng là cái nôi cho ra đời những chiếc xe dùng trong series phim Điệp viên 007 như Dr. No, Goldeneye hay Casino Royale. Trên thực tế, Q được đặt tên theo bộ phận chuyên phát triển các thiết bị hỗ trợ điệp viên James Bond trong phim.

Trụ sở của bộ phận Q nằm ở Gaydon, Anh. Đây cũng là “đại bản doanh” của hãng Aston Martin, nơi những chiếc siêu xe được thiết kế, cá nhân hóa và chế tạo. Những chiếc Aston Martin như DB11, Vanquish S, Rapide hay Vanquish Zagato được chế tạo thủ công trong nhà máy từng là căn cứ quân sự RAF trước khi đến tay giới nhà giàu.

Mối liên hệ giữa Aston Martin và series phim James Bond bắt đầu từ năm 1964. Trong nhà máy của Aston Martin, những chiếc xe di sản được xếp theo trình tự thời gian xuất hiện trên màn bạc. Từ chiếc Aston Martin DB5 trong phần phim Goldfinger, DBS trong On Her Majesty’s Secret Service, V12 Vanqush trong Die Another Day đến DB11 độc nhất vô nhị của Spectre.

Trong phòng giải trí là mô hình điều khiển từ xa trị giá 25.000 Bảng của chiếc Aston Martin DB5 được dùng trong phần phim Skyfall. Mô hình còn đi kèm biển số lật và súng máy tháo/lắp tùy ý.

Bên cạnh đó là những mẫu xe phiên bản đặc biệt như Aston Martin Red Arrows Vanquish S đã từng được giới thiệu vào hồi tháng 4 năm nay. Mẫu xe được thiết kế theo cảm hứng từ phi đội nhào lộn trên không Red Arrows nổi tiếng của Không quân Hoàng gia Anh là sản phẩm mới nhất do bộ phận Q phát triển.

Bộ phận Q của Aston Martin chỉ bao gồm đúng 15 nhân viên với người đứng đầu là ông Simon Butler. Đây là những người chịu trách nhiệm giúp hãng Aston Martin làm hài lòng các khách hàng giàu có. Toàn bộ 15 con người này đều mang trong mình tinh thần sáng tạo, tràn đầy cam hứng và sẵn sàng thử những thứ mới lạ, không khác gì bộ phận Q trong phim James Bond.

Được thành lập vào năm 2011, bộ phận Q hiện sản xuất khoảng 270 chiếc xe cá nhân hóa mỗi năm. Trong khi đó, trong năm đầu tiên thành lập, con số này chỉ dừng ở 60 xe.

Có thể kể đến một số sản phẩm của bộ phận Q như Aston Martin DB11 với bộ hành lý “thửa riêng”, V12 Vantage S Spitfire và V8 Vantage S Red Bull Racing Edition. Gần như toàn bộ các sản phẩm của bộ phận Q đều được thay đổi chủ yếu ở màu sơn và nội thất. Có vẻ như không ai “cả gan” thay đổi thiết kế ngoại thất vốn đã rất đẹp của xe Aston Martin.

Những tùy chọn dành cho xe dường như không giới hạn, miễn là ví của bạn dày. Từ màu sơn và chất liệu bọc nội thất “thửa riêng” đến vật liệu độc nhất, tất cả đều có thể xuất hiện trên chiếc Aston Martin của bạn nhờ bộ phận Q.

“Công việc của tôi là tìm cảm hứng và cho xe hình dạng riêng. Tôi chưa bao giờ chán với việc chứng kiến những điều mới mẻ”, ông Butler khẳng định với phóng viên The Sun. “Những chiếc xe do bộ phận Q chế tạo có giá dao động từ 95.000 – 200.000 Bảng (2,8 – 5,9 tỷ Đồng). Khi bạn đã đạt đến tầm nào đó, tiền không còn là vấn đề nữa. Vấn đề lúc này là mua thứ gì đó theo đúng như ý thích của bạn”.

Nhiều người cứ tưởng sản xuất một chiếc xe phiên bản đặc biệt đòi hỏi rất nhiều thời gian. Ấy thế nhưng, bộ phận Q lại lắp ráp xe khá nhanh với 28 chiếc ô tô xuất xưởng một ngày. Mỗi chiếc xe của bộ phận Q đòi hỏi khoảng 200 giờ lao động.

Riêng bảng táp-lô của xe cần 5 giờ lao động. Trong khi ghế khâu quả trám của Aston Martin Vanquish cần đến 1 triệu mũi khâu. Hệ thống dây điện nối các thiết bị mới nhất của xe có thể trải dài đến 1 dặm hay 1,6 km. Trong khi đó, công đoạn sơn xe kéo dài khoảng 50 tiếng đồng hồ. Mỗi chiếc xe của bộ phận Q sẽ được pha màu sơn riêng.

Công đoạn tiếp theo là thực hiện những yêu cầu của khách hàng. Nếu muốn một chiếc xe trong mơ có đầy đủ những tùy chọn của bộ phận Q, khách hàng có thể sẽ phải chi đến 1 triệu Bảng (29,5 tỷ Đồng). Bộ phận Q đã chế tạo chiếc xe đầu tiên như thế là Aston Martin Vantage GT12 Roadster vào năm 2016. Ông Butler hi vọng sẽ có thêm những chiếc xe tương tự như vậy ra đời trong tương lai.

“Khách hàng ngày càng đòi hỏi và chọn thêm nhiều tùy chỉnh. Có người kỹ tính đến mức yêu cầu thay đổi đến từng mũi khâu. Một khách mua GT12 còn muốn thay đổi màu của giá đỡ cốc. Tất nhiên, khi bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua xe, bạn rõ ràng sẽ muốn xế cưng của mình thật khác biệt”, ông Butler kết luận.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *